Tìm hiểu về ván gỗ hdf trong thế giới nội thất

bởi | Th4 23, 2017

Gỗ công nghiệp hdf có ứng dụng nhiều nhất trong ngành thiết kế nội thất – thi công nội thất ngày nay. Chúng là giải pháp tuyệt vời cho đồ nội thất trong nhà và ngoài trời, tấm ốp tường, vách ngăn phòng, và cửa ra vào. Ngoài ra, do tính ổn định và mật độ gỗ mịn nên gỗ hdf còn được dùng để làm sàn gỗ rất tốt. Các sản phẩm gỗ hdf được xem là bước đột phá mang tính cách mạng trong công nghiệp sản xuất và xử lý gỗ. Vậy gỗ hdf là gỗ gì, có cấu tạo ra sao và độ bền các sản phẩm nội thất được làm từ hdf ra sao. Hãy cùng tìm hiểu nhé!

1. Gỗ hdf là gỗ gì

Gỗ hdf là tên gọi của 1 loại gỗ được viết tắt của từ High Density Fiberboard (tấm gỗ HDF hay còn gọi là tấm ván ép HDF). Gỗ công nghiệp HDF được tạo thành bởi 80-85% chất liệu là gỗ tự nhiên. Còn lại là các phụ gia làm tăng độ cứng và kết dính cho gỗ khi thành phẩm. Hầu hết đều sử dụng lại lõi HDF đạt tiêu chuẩn E1, đây là tiêu chuẩn đảm bảo lõi gỗ có đủ độ cứng, bền. Thể hiện 1 sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, không có hại cho sức khoẻ. Lõi gỗ có thể là màu xanh hoặc màu trắng tuỳ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào. Lưu ý màu của lõi gỗ không ảnh hưởng gì tới chất lượng của lõi gỗ.

Cấu tạo gỗ hdf

Hình ảnh cấu tạo của gỗ hdf

2. Quy trình sản xuất gỗ hdf

Nguyên liệu bột gỗ được lấy từ nguyên liệu sản xuất sản phẩm nội thất là gỗ tự nhiên rừng trồng nguyên khối như tràm, xoan, cao su… Các loại gỗ này chứa nhiều nhựa cây nên phải luộc và sấy khô trong môi trường nhiệt độ cao từ 1000C – 2000C. Gỗ được xử lý hết nhựa và sấy khô hết nước, với dây chuyền xử lý hiện đại và công nghiệp hoá hoàn toàn. Bột gỗ được xử lý kết hợp với các chất phụ gia làm tăng độ cứng của gỗ, chống mối mọt được trộn đều. Sau đó bột gỗ được ép dưới áp suất cao từ 850 kg/cm3 đến 870 kg/cm2. Cuối cùng chúng được định hình thành tấm gỗ công nghiệp HDF có kích thước khác nhau tùy vào từng thị trường. Kích thước của gỗ hdf thông thường là các tấm gỗ có quy cách 1220 x 2440 mm, 1830 x 2440 mm. Ngoài ra kích thước ván gỗ công nghiệp còn có loại vượt khổ là 1220 x 2745 mm. Về độ dày của tấm gỗ hdf có độ dày từ 6mm – 24mm, ngoài ra có kích thước khác tùy theo yêu cầu.

Quy trình sản xuất gỗ hdf

Sơ đồ quy trình sản xuất gỗ công nghiệp nói chung (mdf, hdf)

3. Các loại gỗ hdf trên thị trường

Các tấm ván HDF sau khi đã được xử lý bề mặt sẽ được chuyển sang dây chuyền cắt theo kích thước đã được thiết kế định hình. Trong quá trình này nhà sản xuất có thể cán phủ lớp tạo vân gỗ và lớp phủ bề mặt, hoặc để trơn. Các lớp phủ bề mặt thường được làm bằng Melamine Resin kết hợp với sợi thủy tinh tạo nên một lớp phủ trong suốt, giữ cho màu sắc và vân gỗ luôn ổn định, bảo vệ bề mặt. Chính vì thế khi nhắc đến gỗ hdf chúng ta thường thấy có nhiều loại, dưới đây là 1 số loại phổ biến nhất.

3.1 Gỗ hdf trơn

Ván gỗ HDF trơn là loại ván gỗ HDF được sản xuất ra và không được phủ bề mặt gì hết. Loại sản phẩm này thường có ứng dụng nhiều nhất. Chúng là tấm phôi nguyên liệu được bán ra cho các xưởng nội thất để đóng các sản phẩm có hình dáng phức tạp. Các sản phẩm nội thất sau khi hoàn thiện sẽ được sơn các màu khác nhau lên thành phẩm theo ý thích.

3.2 Gỗ hdf melamine

Ván gỗ HDF phủ melamine là loại gỗ HDf đã được phủ lên 1 lớp bề mặt melanine. Bề mặt melamine này có thể là vân gỗ hoặc màu trơn. Các xưởng mộc hay xưởng nội thất mua về chỉ việc cắt ván và đóng thành phẩm. Ưu điểm của melamine là không cần phải trải qua công đoạn sơn phết.

3.3 Gỗ hdf laminate

Ván gỗ HDF phủ laminate là loại gỗ HDf đã được phủ 1 lớp bề mặt laminate vân gỗ hoặc màu trơn. Cũng giống như phủ melamine thì các xưởng mộc hay xưởng nội thất mua về chỉ việc cắt ván và đóng thành phẩm. Sản phẩm hoàn thiện chỉ cần dán cạnh và không cần phải qua công đoạn sơn phết. Ngoài ra, hdf laminate thường dùng nhiều nhất là làm sàn gỗ công nghiệp.

3.4. Gỗ hdf chống ẩm (lõi xanh – lõi đen hoặc lõi vàng)

Dòng ván HDF nổi bật nhất là dòng ván gỗ hdf chống ẩm (hay có tên gọi khác là gỗ HMR). Một số nơi thường gọi là gỗ hdf lõi xanh chống ẩm bởi vì màu sắc của chúng thường có màu xanh lá cây đậm hoặc nhạt. Tuy nhiên, ngày nay thì có 1 số dòng gỗ hdf chống ẩm lại thường để màu vàng nhạt không nhuộm xanh. Gỗ hdf chống ẩm có đặc tính cứng, bền, chịu được trong môi trường có độ ẩm. Cho nên HMR (gỗ hdf chống ẩm) được sử dụng rộng rãi trong ngành nội thất trong nước và quốc tế.

Ngày nay, để tạo sự nhận diện thương hiệu tốt hơn, hoặc để tránh nhầm lẫn khi nhận biết gỗ hdf chống ẩm. Một số nhà sản xuất gỗ hdf chống ẩm còn nhuộm đen lõi gỗ (hay còn gọi là gỗ hdf lõi đen) . Đây cũng là cách phân biệt gỗ hdf chống ẩm dễ và trực quan nhất khi mua sản phẩm này.

3.5 Gỗ hdf phủ acrylic

Ngoài ra, gỗ hdf còn được phủ acrylic lên bề mặt của mình. Người ta thường gọi là gỗ acrylic trên cốt nền hdf. Đối với các dòng sản phẩm cần độ bóng cao thường thấy như cánh tủ bếp, tủ áo chúng ta hya gặp dòng sản phẩm này. Một số đơn vị thi công khắt khe còn yêu cầu dùng hdf chống ẩm thay vì dùng hdf trơn thông thường.

4. Ưu điểm và nhược điểm của gỗ công nghiệp hdf

4.1 Ưu điểm

  • Gỗ hdf có tác dụng cách âm khá tốt và khả năng cách nhiệt cao nên thường sử dụng cho phòng học, phòng ngủ, tủ bếp…
  • Gỗ công nghiệp đã khắc phục được các nhược điểm nặng, dễ cong, vênh so với gỗ tự nhiên.
  • Màu sắc của gỗ hdf có khoảng 40 màu sơn thuận tiện cho việc lựa chọn. Đồng thời dễ dàng chuyển đổi màu sơn theo nhu cầu thẩm mỹ của khách hàng. Đặc biệt, bề mặt ván hdf khi phủ có khả năng tạo được thớ và vân sần gần như gỗ thật. Đối với ván trơn (ván thô) sẽ có nguyên thủy màu vàng như giấy carton.
  • Do kết cấu bên trong có mật độ cao hơn các loại ván ép thường nên gỗ hdf đặc biệt chống ẩm tốt hơn gỗ mdf.

4.2 Nhược điểm

  • Không gia công được các hình dáng phức tạp, có độ cong hay họa tiết hoa văn như gỗ tự nhiên.
  • Mặc dù có thành phẩm chống ẩm nhưng vẫn khuyến nghị hạn chế hoặc tránh tiếp xúc với nước trong quá trình sử dụng. Độ nở của gỗ hdf trong nước khi ngâm 24h là từ 6-7%. Tức là nếu tiếp xúc nước càng lâu thì bề mặt gỗ hdf sẽ bị phồng rộp do thẩm thấu nước.
  • Là sản phẩm có độ bền cao nhất trong dòng công nghiệp nhưng so với gỗ tự nhiên thì chỉ có bền ở mức độ tương đối.

5. Ứng dụng của gỗ hdf

Nhờ đặc tính là có tỷ trọng nén cao nên gỗ hdf có độ bền tương đối cao trong các dòng gỗ công nghiệp. Đặc biệt với khả năng kháng nước của dòng gỗ hdf chống ẩm nên ván hdf được sử dụng rộng rãi. Các ứng dụng chủ yếu dùng để đóng tủ bếp, kệ tivi để dưới sàn, tủ quần áo, thậm chí đóng được cả giường ngủ, kệ sách phòng em bé… Còn trong nội thất văn phòng, chúng được dùng để đóng bàn ghế làm việc, tủ đựng hồ sơ, kệ ngăn kéo các loại… Khi nhắc đến ứng dụng của gỗ hdf phải kể đến 2 dòng sản phẩm nổi bật đó chính là cửa phòng ngủ bằng gỗ hdf và ván sàn gỗ hdf. Đây chính là 2 ứng dụng nhiều nhất của ván hdf trong thế giới nội thất ngày nay.

Mặc dù các dòng gỗ công nghiệp trong đó có gỗ hdf không thể so sánh với các dòng gỗ tự nhiên như căm xe, sồi, gỗ óc chó hay gõ đỏ… Thì sản phẩm gỗ hdf được xem là bước đột phá mang tính cách mạng trong công nghiệp sản xuất nội thất ngày nay. Chúng là 1 dòng sản nguyên liệu thay thế khi mà gỗ tự nhiên càng hiếm dần. Nếu quý khách đang có nhu cầu đặt đóng nội thất từ ván gỗ hdf hãy gọi chúng tôi bất cứ khi nào nhé!

Bài liên quan